A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI MÙA XUÂN 1975 GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một trong những chiến công lớn của thế kỷ XX. Đối với dân tộc Việt Nam, đây là bản anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua càng khẳng định và làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của thắng lợi này.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tiếp đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành ngay cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng suốt 30 năm, đánh thắng hoàn toàn các cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc lớn, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đế quốc Mỹ rút khỏi miền Nam, tạo ra những thuận lợi để quân dân ta tiến lên” đánh cho ngụy nhào”. Trong tình hình đó, Trung ương Đảng đã có nhiều Hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam-Bắc: Hội nghị lần thứ 21 (7/1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 22 (12/1973) bàn về khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần thứ 23 (12/1974) về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng... Miền Bắc tiến hành khôi phục kinh tế nhằm bảo đảm nhu cầu nâng cao đời sống nhân dân miền Bắc và chi viện có hiệu quả về sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Nắm vững quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, quân và dân miền Nam tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng, giữ vững thế tiến công, đẩy chế độ ngụy quyền Sài Gòn vào thế bị động, lúng túng.

Từ giữa năm 1974, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam có lợi cho cách mạng, thời cơ cách mạng đã xuất hiện. Bộ Chính trị họp từ 18/12/1974 đến tháng 8/1/1975 bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, kế hoạch ban đầu là  ta sẽ giải phóng miền Nam trong hai năm 1976-1976. Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực” (Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.196).

Đầu năm 1975, sau chiến thắng Phước Long (6/1), Bộ chính trị đã quyết tâm đẩy nhanh kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Với nỗ lực và quyết tâm rất cao, quân và dân ta đã tiến hành liên tục 3 chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 gồm Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mùa xuân năm 1975, với khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn của địch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 24/3/1975): Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược vì Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta lại chọn Buôn Ma Thuột là trận đột phá chiến lược. Bởi vì, thắng lợi ở Buôn Ma Thuột có khả năng tạo ra sự chuyển biến về chiến dịch và sự rung động về chiến lược.

Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Quân ta đánh nghi binh ở Playcu thu hút sự chú ý của địch ở Buôn Ma Thuột. Trên thực tế lúc này quân ta đang tiến về bao vây thị xã Buôn Ma Thuột- thủ phủ của Tây Nguyên.

2 giờ 03 phút ngày 10/3, quân ta bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuột. Đúng 11 giờ trưa ngày 11/3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt mở đầu thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên.

Ngày 24/3, quân ta tiến công Củng Sơn, tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, hoàn thành trận then chốt thứ ba, kết thúc chiến dịch Tây Nguyên. Sau 20 ngày đêm chiến đấu quyết liệt trong chiến dịch Tây Nguyên, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 7 vạn quân địch, xoá sổ quân đoàn 2 và quân khu 2 ngụy, làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn rất quan trọng, dẫn đến sự suy sụp và tan rã về chiến lược của địch, mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch Huế-Đà Nẵng, mở ra bước ngoặt quyết định cho thời kỳ toàn thắng của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975): Với chiến thắng oanh liệt của Chiến dịch Tây Nguyên, cuộc chiến tranh Cách mạng đã bước sang một giai đoạn mới, từ tiến công chiến lược phát triển thành tổng tiến công chiến lược, tạo thời cơ chín muồi hình thành chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm: “Tiêu diệt quân đoàn 1 địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, để cùng với thắng lợi của Tây Nguyên tạo nên chuyển biến lớn về so sánh lực lượng chiến lược có lợi cho ta, tạo điều kiện giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”.

Thực hiện quyết tâm trên, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Huế-Đà Nẵng với mật danh “Mặt trận 475”. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là hoạt động trọng tâm của quân ta tiếp sau chiến thắng Tây Nguyên. Chiến trường được phân thành hai khu vực: Trị Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó mục tiêu chủ yếu là Huế-Đà Nẵng.

Ngày 21/3/1975, chiến dịch Huế-Đà Nẵng bắt đầu: Phát triển thế tiến công đã tạo được trước đó; từ các hướng bắc, tây, nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch trong thành phố Huế. Quân ta chia làm hai hướng: Hướng Nam Huế và hướng Bắc Huế đồng loạt tiến công quân địch.

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng là hoạt động trọng tâm của quân ta tiếp sau chiến thắng Tây Nguyên.

Thế trận của địch ở Thừa Thiên-Huế bị vỡ, và trước áp lực tiến công từ các hướng của quân ta, địch càng lúng túng, trong cơn hoảng loạn chúng chỉ còn một lối thoát duy nhất là chạy ra biển theo cửa Thuận An và Tư Hiền. Pháo binh ta một mặt khống chế chặt cửa Thuận An, kết hợp với bộ đội đặc công thả mìn không cho tàu địch vào đón quân rút chạy.

Ngày 25/3, quân ta tiến công địch ở khu cảng Tân Mỹ-Thuận An, tiêu diệt và làm tan rã hầu hết địch dồn về đây. Cùng ngày các mũi tiến công khác của quân chủ lực đã cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến vào thành phố, kết hợp với quần chúng nổi dậy, giải phóng cố đô Huế. Trưa ngày 26/3, cờ Cách mạng đã tung bay trên cột cờ trước Ngọ Môn, kết thúc vẻ vang trận đánh Thừa Thiên-Huế.

Sau bốn ngày chiến đấu quân và dân ta đã hoàn toàn tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên-Huế. Thắng lợi vang dội này là một đòn phủ đầu chí mạng giáng vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung.

Từ ngày 26/3 đến 29/3/1975, cuộc tiến công Đà Nẵng của quân ta diễn ra hết sức khẩn trương, nhanh chóng. Ngày 27/3, quân ta trên ba hướng tiến quân về Đà Nẵng không kể ngày đêm. Các lực lượng vũ trang địa phương gấp rút tiến về thành phố cùng với lực lượng chính trị của quần chúng trong và ven thành phố tiến công địch. Bị bao vây chặt, quân địch ở Đà Nẵng trở nên hỗn loạn, kế hoạch co cụm lớn bị phá vỡ. Ngày 28 và 29/3, ta tiến công căn cứ quân sự liên hợp lớn của địch ở Đà Nẵng. Đến 15 giờ ngày 29/3, quân ta từ các hướng tiến công đã gặp nhau ở trung tâm thành phố, chiếm lĩnh xong toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng-bán đảo Sơn Trà. Trận tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng đã kết thúc toàn thắng. Hơn 10 vạn quân địch trong đó có cơ quan bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy đã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Căn cứ quân sự liên hợp mạnh nhất của địch ở miền Trung đã hoàn toàn bị đập tan trong một cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc 32 giờ. Ta thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng, rực rỡ: Quân ta đã đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố của địch ở quân khu 1, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 120.000 tên, trong đó bắt tại trận 55.000 tên, với 7.000 sĩ quan (220 cấp tá), làm tan rã 137.000 phòng vệ dân sự; Thu toàn bộ vũ khí quân trang, đạn dược, nhiên liệu). Giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh với hơn 2 triệu dân, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Thắng lợi của chiến dịch tiến công Huế-Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (từ 9/4 đến 30/4/1975): Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc”.

Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm”. Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng chỉ đạo giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được mang tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Các chiến dịch và các hoạt động tạo thế chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh được tiến hành theo các hướng: Hướng Đông, hướng Tây Nam, hướng Đông và Đông Nam, hướng Tây và Tây Nam, hướng Bắc và Tây Bắc. Tối 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch thông báo tình hình và lệnh, các hướng quân ta tiếp tục phát triển tiến công để đảm bảo sáng 29/4 toàn mặt trận nhất loạt thực hiện tổng tấn công vào thành phố Sài Gòn theo đúng kế hoạch đã định.

Ngày 30/4/1975: Quân ta thống nhất hiệp đồng các cánh, các hướng tổng công kích vào nội thành, chiếm lĩnh các mục tiêu chiến lược. 10 giờ ngày 30/4/1975, trung đoàn 66 bộ binh, cùng với xe tăng của lữ đoàn 203 thuộc sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến công thọc sâu, đập tan toàn bộ lực lượng phòng ngự của quân ngụy vượt qua cầu Sài Gòn. 10 giờ 45’, cán bộ, chiến sĩ ta bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, ta kéo cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập.

Trên đà chiến thắng, từ ngày 30/4/1975, đồng bào và các chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1-5-1975, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Từ 30/4 đến 1/5/1975, đồng bào các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Long An, Hậu Nghĩa, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong, An Giang, Châu Đốc, Sa Đéc, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau đã đứng lên giành quyền làm chủ.

Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30/4/1975, các chiến sĩ yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Côn Sơn đã nổi dậy, làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2/5/1975, Quân giải phóng phối hợp cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, trong tháng 4-1975, ta giải phóng các đảo dọc bờ biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong quần đảo Trường Sa; quân giải phóng tiến công và giải phóng các đảo do quân ngụy chiếm giữ: đảo Song Tử Tây, đảo Sơn Ca, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa và đảo An Bang.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã hơn 40 vạn tên địch, 10 sư đoàn chủ lực và tổng trù bị, 12 chiến đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn không quân; đánh sụp toàn bộ ngụy quyền Trung ương và địa phương gồm 22 vạn tên, giải phóng Sài Gòn và toàn bộ các tỉnh còn lại, kết thúc rất oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước ta.

Văn kiện Đảng nhận định: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta” (Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.206)./.

Văn Lâm, ngày 27 tháng 4 năm 2020

Thay mặt tổ tư vấn tâm lý

 

 

Đỗ Thị Cúc

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 20
Hôm qua : 241
Tháng 11 : 3.905
Năm 2024 : 199.636