A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình tĩnh trước dịch bệnh

TRƯỜNG THPT TRƯNG VƯƠNG

TỔ TƯ VẤN TÂM LÍ VÀ XÃ HỘI

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG COVID - 19

                                          Văn Lâm, ngày 16 tháng 03  năm 2020

 

Bình tĩnh trước dịch bệnh

Vào lúc 22 giờ đêm 6.3, Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn do có tình huống đặc biệt: một ca mắc Covid-19 được phát hiện tối cùng ngày. Hà Nội gần như đã có một đêm không ngủ...

Không chỉ thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên báo chí, trên mạng xã hội nhiều người loan đi đủ loại thông tin liên quan tới các ca bệnh Covid-19. Và với rất nhiều thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng, họ nhân danh cộng đồng đã giận dữ, chửi bới...

Nhiều người bắt đầu đổ xô đến các siêu thị còn mở cửa lúc nửa đêm để mua tích trữ thực phẩm. Và từ sáng sớm 7.3, người dân thủ đô lại ùn ùn đi mua hàng tích trữ, dù siêu thị liên tục phát loa thông báo nguồn hàng không thiếu. Thậm chí, nhiều người còn tìm cách rời khỏi thủ đô để “tránh dịch”.

Sự sợ hãi của người dân trước diễn biến của dịch bệnh là có thể hiểu được. Song nếu bình tĩnh hơn để suy xét, sẽ thấy rằng tình hình chưa tới mức phải hoảng loạn đến như vậy.

Như vậy, đến 22h10 ngày 15/3, Việt Nam ghi nhận 57 người nhiễm Covid-19, nghi nhiễm 102, tử vong 0, bình phục 16. Thông tin về các ca bệnh Covid-19 đều được công khai với sự tham dự của báo chí. Ngay sau đó, những thông tin chi tiết về tiền sử dịch tễ, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng được công khai. Trong những ngày tới, có thể sẽ có thêm các ca nhiễm bệnh mới, song nó vẫn nằm trong kịch bản đã được dự liệu.

Cho tới trước khi ca bệnh ở Hà Nội được công bố vào ngày 6.3, chúng ta chỉ mới có 16 trường hợp nhiễm bệnh và cả 16 trường hợp đều đã được chữa khỏi. Chưa có ca bệnh nào tử vong tại Việt Nam. Không phải bất cứ ai tiếp xúc hay đi qua khu vực có bệnh nhân cũng lây bệnh. Trước đó, quân đội đã diễn tập với tình huống có tới hơn 30.000 người nhiễm bệnh dù vẫn còn rất xa dịch bệnh tại VN mới tới mức này.

Một trong những yếu tố quyết định để vượt qua dịch bệnh là người dân tin rằng, chính quyền đóng vai trò chủ đạo trong phòng chống dịch bệnh và làm tốt vai trò đó với trách nhiệm và sự minh bạch. “Chống dịch như chống giặc” là tinh thần mà các cơ quan chức năng đã và đang làm, song có lẽ trong những ngày qua chúng ta đã "chống dịch hơn chống giặc", bởi lẽ những cơ quan có trách nhiệm đã không giấu giếm thông tin.

Cẩn trọng là cần thiết, nhưng sự hoảng loạn thái quá của một bộ phận người dân trước các diễn biến dịch bệnh có thể sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi chính việc chen chân mua hàng ở siêu thị hay di chuyển để tránh dịch lại làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, làm khó thêm cho cơ quan chức năng.

Vì vậy, việc cần làm nhất trong lúc này không phải tích trữ lương thực, khẩu trang hay rời Hà Nội và những nơi phát hiện người nhiễm để tránh dịch mà phải giữ được sự bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng - những người có chuyên môn và trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Bằng cách chuẩn bị tốt với tâm thế bình tĩnh, sự tin tưởng vào ngành y, phối hợp với chính quyền, chọn lọc thông tin đúng đắn, mỗi cá nhân sẽ góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhờ sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ mà đông đảo các tầng lớp nhân dân đều liên tục được cung cấp thông tin về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Đồng thời còn có các quy định và cụ thể từng trường hợp xử lý người đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, những người cố tình trục lợi bất chính từ nỗi sợ Covid-19 trong cộng đồng...

Có thể nói, tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt: Các cơ sở y tế đều đã nâng cao năng lực và chuẩn bị tốt phương án, kịch bản chống dịch; mọi thông tin về đường lây lan virus đều được cụ thể; công tác truyền thông minh bạch - chuẩn xác - đầy đủ - rõ ràng thông tin để mỗi người đều biết mình phải làm gì.

Đối phó với mối nguy toàn cầu, hàng ngàn bác sĩ, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang miệt mài ngày đêm để tìm ra vacxin chế ngự virus và đã có những bước tiến khoa học thần tốc...

Tuy nhiên, mỗi người dân cũng phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, góp sức mình vào nhiệm vụ chung này. Cụ thể bằng việc cẩn trọng giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình; có tâm thế bình tĩnh để hợp tác cùng chính quyền, tin tưởng vào khuyến cáo của ngành y; chọn lọc thông tin để không chủ quan, cũng không bi quan, không tự mình làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Chống dịch bệnh như chống giặc, song chúng ta chỉ có thể chống dịch và chống giặc bằng sự bình tĩnh và kiến thức chuyên môn chứ không thể bằng sự lo lắng đến mức hoảng loạn.

WHO ấn tượng sự hợp tác của người dân Việt Nam trong phòng chống dịch

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết WHO ấn tượng sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; thể hiện lòng tin của người dân, toàn xã hội với công tác này.

Sáng 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ giữa WHO với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của WHO đối với Việt Nam và cá nhân Trưởng đại diện trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thời gian qua.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã chủ động, đồng bộ, quyết liệt, trước, trong và sau Tết từ các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, kể cả các lực lượng quân đội, công an tham gia.

WHO, CDC đánh giá cao Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19

Bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, ông Kidong Park đánh giá sự vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam; ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ, sự đầu tư đều đặn và tích cực.

WHO ấn tượng sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19; thể hiện lòng tin của người dân, toàn xã hội với công tác này.

Công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Việt Nam đã được thực hiện tốt, điển hình là ở Vĩnh Phúc vừa qua, không thấy sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân vì cách ly.

Đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược mà Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đang thực hiện là 4 tại chỗ và nguyên tắc cách ly.

Nguyên tắc "4 tại chỗ" được WHO đánh giá rất cao, thay vì chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, điều trị ngay tại cơ sở, không phải vận chuyển, lại có đội phản ứng tại chỗ. Điều này rất hiệu quả. Để đạt được điều đó phải có sự đầu tư từ sớm, sự tập huấn cho cơ sở y tế tuyến huyện; có nhiều cơ sở xét nghiệm với hơn 30 cơ sở, giảm thiểu gánh nặng cho tuyến trên, nâng cao năng lực cho tuyến dưới.

Cách đây vài hôm, Tổng giám đốc WHO mô tả dịch COVID-19 như là đại dịch vì WHO nhận thấy các ca bệnh ngoài Trung Quốc tăng tới 13 lần. Đến nay có hơn 115 quốc gia, vùng lãnh thổ toàn cầu báo cáo có dịch với 157.305 người nhiễm Covid-19, số người tử vong là 5836.

Việc Tổng giám đốc mô tả dịch COVID-19 như đại dịch mục đích như một hồi chuông cảnh tỉnh vì bên cạnh những quốc gia tích cực vẫn còn một số quốc gia chưa có động thái đó, chưa có sự chuẩn bị tương xứng mức độ lây lan bệnh dịch.

WHO khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa; rà soát lại các kế hoạch và kích hoạt cần thiết khi dịch bệnh lây lan rộng.

WHO khuyến nghị những nhóm đối tượng sau cần bảo vệ là: các bác sỹ, nhân viên y tế - những người tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp người bệnh; những người già, có bệnh nền; nhóm những người lãnh đạo.

Về hỗ trợ, WHO tập trung vào sự điều phối của các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, có sự hợp tác chặt chẽ kể cả với Ngân hàng Thế giới (WB). Hỗ trợ về nguồn lực, WHO tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng phát triển y tế, tăng cường năng lực y tế cho các nhóm phòng chống dịch, phương tiện bảo hộ cá nhân, các Kit xét nghiệm...; theo dõi tình hình, đánh giá nguy cơ cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Dựa trên các thông tin đó, WHO sẽ tham vấn kịp thời cho Chính phủ Việt Nam.

WHO đề nghị Việt Nam trong truyền thông cần chú ý giảm thiểu sự kỳ thị đối với những người mắc COVID-19: tránh lan truyền thông tin cá nhân, nhạy cảm của người bệnh trên mạng xã hội, làm cho những người khác có thể sẽ không khai báo về tình trạng bệnh.

Cảm ơn các ý kiến của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết, thời gian qua và hiện nay, Việt Nam coi phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân. Chính phủ cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ trực tiếp, kể cả bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm dồi dào cho người dân. Chính phủ hoan nghênh sự đóng góp của người dân, hoan nghênh sự hỗ trợ của các nước và cũng đã giúp đỡ các nước khác.

Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành y tế đã được khơi dậy sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, nhờ đó đã thúc đẩy nghiên cứu thành công bộ Kit xét nghiệm SARS-CoV-2, xác lập trình tự gien virus, thúc đẩy nghiên cứu vắcxin... Thủ tướng hoàn toàn nhất trí ý kiến của WHO cần coi trọng lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Lực lượng y tế Việt Nam luôn nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nông thôn cũng như thành thị. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sinh viên ngành y luôn sẵn sàng thực hiện các kịch bản đã đề ra. Việt Nam có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn nguồn lây nhiễm, từ châu Âu, nước Anh.

Tuy nhiên, số lượng người Việt Nam ở khu vực này rất đông, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam đã chỉ đạo các cấp chính quyền, tuyên truyền, khởi động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, người dân, các khu dân cư thực sự là những pháo đài chống dịch.

Thủ tướng tán thành với đề nghị cần phải hạn chế sự kỳ thị người bệnh trong truyền thông. Việt Nam lên án những hành động kỳ thị. Bộ Công an Việt Nam đã xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng, gây sự kỳ thị người mắc COVID-19, kể cả xử lý hình sự.

Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong phòng, chống dịch bệnh một cách nhanh nhất. Hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh, cung cấp phác đồ điều trị tốt nhất; hỗ trợ bộ Kit xét nghiệm nhanh. Việt Nam đã từng chữa khỏi 16 trường hợp, kể cả người cao tuổi có bệnh nền phức tạp. Do đó, Việt Nam có ý chí, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch.

Việt Nam luôn chủ trương công khai, minh bạch trong quá trình chống dịch; nỗ lực bảo đảm chống dịch hiệu quả đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, xã hội ổn định.

Cảm ơn ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Kidong Park cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam, huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam. Liên quan vấn đề vắcxin chữa bệnh COVID-19, WHO đã hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên về sản xuất loại vắcxin này. Việc nghiên cứu sản xuất vắcxin là rất cần thiết, nhưng vấn đề sản xuất đại trà mới là quan trọng.

WHO cũng rất mừng là năng lực sản xuất vắcxin ở Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu. WHO một lần nữa đánh giá cao sự chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn.

7 cách vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình phòng dịch COVID-19

         Điều quan trọng là người dân phải tỉnh táo, thực hiện đúng và đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch. Ccác thành viên trong gia đình cũng hình thành được thói quen tự bảo vệ, giữ gìn sức khỏe đúng cách. Trước tiên là việc chủ động đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, rửa tay sạch sẽ khi trở về nhà, hạn chế tụ tập nơi đông người...

Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp với tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng, đồng thời cũng là nguy cơ cao đối với an toàn và sức khỏe của mỗi người, gia đình

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Ngoài các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng chống dịch Covid-19 thì vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình là rất cần thiết. Theo đó, để vệ sinh, khử khuẩn môi trường phòng chống dịch Covid-19 tại gia đình, các gia đình cần làm theo 7 hướng dẫn sau của Cục Quản lý Môi trường y tế:

1. Khử khuẩn bằng chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha. Chỉ pha dung dịch đủ dùng trong ngày.

2. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.

3. Các bề mặt phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.

4. Khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh.

5. Khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều kiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.

6. Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện.

7. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải hằng ngày theo quy định.

 

Lời bài hát: Ghen cô vy

Ghen cô vy của Erik và Min là một ca khúc rất hay giúp bạn giữ vệ sinh tay chân. Lời bài hát vui tươi mô tả đầy đủ thông tin về Covid-19. Từ bài hát chúng ta củng phần nào biết cách phòng tránh virus này.

Một ca khúc đầy ý nghĩa “Ghen cô Vy” là một bài hát tươi tắn. Mang đến người nghe sự nhắc nhờ khéo léo cho việc giữ vệ sinh trong mua dịch bệnh “Corona”.

Dạo gần đây, có một virus rất hot
Tên của em ấy Corona
Em từ đâu? Quê của em ở Vũ Hán
Đang bình yên bỗng chợt thoát ra

Chắc chắn ta nên đề cao cảnh giác
Đừng để em ấy phát tán
Chắc chắn ta nên quyết tâm tự giác
Để dịch bệnh không bùng cháy lên

Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều
Đừng cho tay lên mắt mũi miệng
Và hạn chế đi ra nơi đông người
Đẩy lùi virus Corona Corona

Luôn nâng cao sức khỏe
Và vệ sinh không gian xung quanh mình
Cùng nâng cao ý thức của xã hội
Đẩy lùi virus Corona Corona

Tuy nhỏ bé, nhưng mà em rất tàn ác
Bao người phải chết vì chính em
Tuy rằng khó, nhưng toàn dân đang cố gắng
Không để em tiếp tục lớn thêm

Chắc chắn ta nên nâng cao cảnh giác
Đừng để em ấy phát tán
Chắc chắn ta nên quyết tâm tự giác
Để dịch bệnh không bùng cháy lên

Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều
Đừng cho tay lên mắt mũi miệng
Và hạn chế đi ra nơi đông người
Đẩy lùi virus Corona Corona

Luôn nâng cao sức khỏe
Và vệ sinh không gian xung quanh mình
Cùng nâng cao ý thức của xã hội
Đẩy lùi virus Corona Corona

Từng y bác sĩ luôn luôn hết lòng
Từng người công nhân hay dân văn phòng
Người dân nơi đâu cũng luôn sẵn lòng
Việt Nam ta quyết thắng bệnh dịch, thắng bệnh dịch

Hôm nay ta sẵn sàng
Thì ngày mai ta luôn luôn vững vàng
Dù gian nan nhưng con tim không màng
Việt Nam ta quyết thắng bệnh dịch, thắng bệnh dịch

 

 

Ban truyền thông


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 37
Hôm qua : 356
Tháng 04 : 13.684
Năm 2024 : 91.516